Tìm thêm giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động

17-04-2024 08:04

Theo kế hoạch, ngày 17.4.2024, tại Hà Nội, Báo Lao Động sẽ tổ chức Hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động”. Hội thảo sẽ nêu ra những thực trạng và giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lao động, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân KCN, KCX trong tình hình mới.

Mất an ninh khiến CNLĐ bất an

Theo ghi nhận của các cấp công đoàn, tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn nơi có nhiều CNLĐ thuê trọ có chiều hướng phức tạp, nhất là phát sinh những mâu thuẫn trong quan hệ, sinh hoạt, vay nợ, tệ cờ bạc, trộm cắp, ma túy, mại dâm... dễ sa vào “tín dụng đen” biến tướng dưới mọi hình thức như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao.

Tại Cần Thơ, nguy cơ xô xát, mất an ninh trật tự ở các khu nhà trọ khiến nhiều CNLĐ bất an.

Theo CNLĐ, nguyên nhân dẫn đến xô xát xuất phát từ việc người thuê trọ tụ tập bạn bè về phòng để ăn uống, nhậu nhẹt, ca hát làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Tại Đà Nẵng, phản ánh của nhiều CNLĐ tại dãy nhà trọ trên đường Thanh Vinh 10, đường Đặng Chiêm, đường Lê Công Kiều (cách Khu công nghiệp Hòa Khánh 1km, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tình trạng mất trộm, ăn cắp vặt xảy ra thường xuyên từ sau Tết.

Hầu hết các dãy trọ giá rẻ tại gần Khu công nghiệp Hòa Khánh đều được xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp, tường rào cổng ngõ có phần sơ sài.

Ngoài bất an về tình hình mất an ninh trật tự, CNLĐ còn dễ bị sa vào bẫy của “tín dụng đen”. Anh Quách Chí Bằng - công nhân tại Công ty TNHH TKG Taekwang Cần Thơ (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cho biết: “Tôi thường xuyên bị nhiều số điện thoại lạ gọi dụ dỗ vay tiền, rất phiền phức và bị ảnh hưởng nhiều trong công việc. Mặc dù rất cảnh giác nhưng tôi cũng rất sợ trong những lúc kinh tế eo hẹp mình sẽ dễ bị sập bẫy...”.

Còn theo Báo cáo nghiên cứu “Vấn đề tín dụng đen trong CNLĐ - Thực trạng và giải pháp” do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) thực hiện khảo sát trong 12 tháng cho thấy cơ bản nhất, lý do tham gia vay tín dụng đen của CNLĐ xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày.

78,1% CNLĐ vay tín dụng đen chủ yếu sử dụng cho mục đích lo sinh hoạt phí cho gia đình, lo chi phí chỗ ở.

Ngoài ra, còn do các nhu cầu lo tiền học phí cho con, chiếm 28,6%; chi tiêu thỏa mãn mong muốn cá nhân, chiếm tỉ lệ 21,3%; lo chữa bệnh cho người thân (14%), gửi tiền về cho gia đình (13,6%), mua phương tiện đi lại (13,3%)…

Một số CNLĐ vay tín dụng đen do không lường trước được hậu quả và thiếu hiểu biết về pháp luật.

Do lãi suất cao, khi CNLĐ không có khả năng trả nợ, các đối tượng gọi điện, nhắn tin với lời lẽ thô tục, bất kể ngày đêm đến nơi CNLĐ làm việc, nhằm gây áp lực buộc người vay phải trả tiền...

Công đoàn luôn đồng hành với CNLĐ

Tổng LĐLĐVN cho biết, công đoàn đã tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật tại nơi ở, nơi làm việc của đoàn viên, CNLĐ; xây dựng tủ sách pháp luật, hòm thư góp ý, tố giác tội phạm; tuyên truyền cổ động trực quan panô, áp phích, poster; cấp phát tài liệu, sổ tay, cẩm nang, tờ gấp, sổ tay pháp luật công nhân; xây dựng các băng, đĩa hình, phát thanh, infographic, câu chuyện truyền thanh... với nội dung cô đọng, ngắn gọn cảnh báo về nguy cơ và tác hại của tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, công đoàn còn tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như hệ thống báo chí, hệ thống loa truyền thanh, đài truyền thanh các phường xã, hệ thống loa nội bộ, bảng tin các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... với các thông điệp về phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội và các hình thức thiết thực khác để tuyên truyền tới công nhân, lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất và khu nhà trọ…

Đặc biệt, để giúp CNLĐ thoát bẫy của “tín dụng đen”, các cấp công đoàn đã có nhiều giải pháp hay.

Điển hình như tại Hải Phòng, cơ quan chức năng, các cấp công đoàn thành phố đã và đang triển khai nhiều gói vay vốn ưu đãi hỗ trợ CNLĐ như gói vay tối đa 50 triệu đồng với thời hạn 36 tháng; gói cho vay ngắn hạn (thời hạn 12 tháng) cho NLĐ có nhu cầu vay phát triển kinh tế, khám chữa bệnh cho bản thân, người thân…

Ở TPHCM, rất nhiều CNLĐ nhận được hỗ trợ từ Quỹ do công đoàn quản lý, nhờ đó CNLĐ vượt qua khó khăn, tránh không phải vay nóng từ tín dụng đen.

Trường hợp của anh L.H.A, CN Nhà máy Dệt 1, Tổng Công ty Việt Thắng là một điển hình. Anh L.H.A chia sẻ, năm 2023, kinh tế gặp nhiều khó khăn, anh dự định vay nóng bên ngoài, với lãi suất rất cao.

“Khi tôi trình bày hoàn cảnh thì được cán bộ công đoàn giải thích và hướng dẫn tôi làm thủ tục vay từ Quỹ vay vốn của công đoàn tổng công ty, với lãi suất chỉ 0,5 %/1 tháng và trả trong 10 tháng. Nhờ có khoản tiền vay này, tôi đã không phải vay nóng bên ngoài” - anh L.H.A chia sẻ.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám cho biết, các tổ chức Công đoàn tỉnh Nghệ An còn đẩy mạnh phong trào tương thân tương ái, giúp đỡ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, giới thiệu các nguồn tín dụng tin cậy, hợp lý cho công nhân lao động vay.

Những năm qua, Tổng LĐLĐVN đã quan tâm chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với lực lượng Công an xây dựng nhiều mô hình phòng chống tội phạm trong doanh nghiệp, khu công nghiệp; điển hình là xây dựng và duy trì hoạt động tổ tự quản khu nhà trọ công nhân ở khu công nghiệp và phát huy vai trò của tổ tự quản khu nhà trọ công nhân trong công tác tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Từ chỗ chỉ có một vài mô hình, hiện cả nước có 23 địa phương có mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”. Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương, đến nay tổng số có khoảng 3.180 “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” với gần 300.000 công nhân, lao động tham gia.

Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/tim-them-giai-phap-dam-bao-an-ninh-an-toan-cho-nguoi-lao-dong-1328284.ldo